Sản xuất chip ở Mỹ đâu có dễ dàng: TSMC đang bị kiện tập thể "sấp mặt"

Hail the Judge
Hail the Judge
Phản hồi: 0

Hail the Judge

Ta chơi xong không trả tiền, vậy đâu có gọi là bán
Vụ kiện tập thể chống lại TSMC giờ đây trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Ban đầu, một số nhân viên người Mỹ tại nhà máy Arizona của công ty đã đệ đơn kiện, cáo buộc TSMC có thành kiến với họ. Giờ đây, vụ kiện đã mở rộng ra với hơn 30 nguyên đơn, những cáo buộc được đưa ra không chỉ dừng lại ở phân biệt đối xử mà còn bao gồm cả quấy rối và điều kiện làm việc không an toàn.

Cáo buộc phân biệt chủng tộc​


Trọng tâm vụ kiện là cáo buộc công ty đã ưu ái 1 cách có hệ thống cho công nhân đến từ Đài Loan và Trung Quốc, trong khi gạt các nhân viên người Mỹ ra ngoài lề. Các nhân viên không phải người châu Á được cho là đã phải chịu những lời lăng mạ lặp đi lặp lại, bị gán cho là kém năng lực và không muốn làm việc. Một cựu kỹ thuật viên cao cấp tên là Phillip Sterbinsky cho biết ông đã bị các quản lý lăng mạ là "ngu ngốc và lười biếng", cuối cùng trở thành người không phải gốc Á duy nhất còn lại trong bộ phận của mình trước khi từ chức vào năm 2024.

Trong số các cáo buộc, có những báo cáo về những bình luận phân biệt chủng tộc một cách công khai từ các nhân viên người Đài Loan. Sterbinsky kể lại việc đã nghe các đồng nghiệp nói rằng người da đen lười biếng và có mùi khó chịu. Một nguyên đơn khác mô tả cảnh đến nơi làm việc và thấy một con gà cao su được treo trên bàn một đồng nghiệp da đen, điều mà anh cho là một hành động sỉ nhục có chủ đích.

1752479021456.png


Vấn đề ngôn ngữ cũng là một rào cản lớn. Nhiều nguyên đơn cho rằng TSMC đã tổ chức các cuộc họp và gửi lời mời bằng tiếng Quan Thoại, loại trừ một cách hiệu quả những nhân viên không nói ngôn ngữ này. Ngay cả khi các vị trí không yêu cầu trình độ tiếng Quan Thoại, tin tuyển dụng thường vẫn liệt kê nó như một kỹ năng mong muốn. Nhóm nguyên đơn cũng cho biết các quản lý người Đài Loan thường chuyển sang nói "Chenglish" – một sự pha trộn giữa tiếng Quan Thoại và tiếng Anh – để ngăn các đồng nghiệp người Mỹ hiểu được cuộc trò chuyện.

Tuyển dụng kiểu "đi đêm"​


Đơn khiếu nại còn cáo buộc rằng bộ phận Nhân sự của TSMC tại Đài Loan đã "tuồn" ứng viên Đài Loan đã được phê duyệt trước sang chi nhánh tại Mỹ, nơi họ được tuyển dụng mà không cần thông qua bất kỳ tin tuyển dụng công khai nào. Hành vi này được cho là đã giúp công ty đưa thêm lao động nước ngoài vào và giảm số lượng các vị trí công đoàn dành cho nhân viên Mỹ. Người ta tin rằng khoảng một nửa số nhân viên tại nhà máy Fab 21 của TSMC là người Đài Loan.

Văn hóa làm việc cũng bị chỉ trích là cực kỳ khắc nghiệt, với các ca làm việc kéo dài, thường xuyên phải làm việc cuối tuần và áp lực không ngừng để đạt được mục tiêu sản xuất. Các nhân viên mô tả môi trường làm việc là quá mức hà khắc, với việc đào tạo không đầy đủ và căng thẳng liên tục góp phần làm cho tỷ lệ nghỉ việc cao. Các quản lý TSMC từ Đài Loan được cho là thường lập luận rằng công nhân Mỹ "lười biếng", "không làm việc đủ chăm chỉ" "không biết nhiều".

1752479044381.png


Khi được hỏi tại sao nhân viên Mỹ lại bị thay thế bởi người Đài Loan, Giám đốc nhân sự cấp cao Ted Chiang của TSMC bị cáo buộc đã giải thích rằng "công ty là của người châu Á". Trong khi đó, cựu chủ tịch Mark Liu trước đây lại tuyên bố rằng nhân viên Mỹ không bị kỳ vọng phải tuân theo các quy tắc làm việc nghiêm ngặt như ở Đài Loan, gợi ý rằng điều kiện của họ dễ dàng hơn.

Những vấn đề khó tin​


Một trong những phần gây sốc nhất của vụ kiện là những cáo buộc về việc an toàn lao động bị coi nhẹ. Nguyên đơn Marcus Hernandez đã báo cáo nhiều vi phạm an toàn tại Fab 21. Ông mô tả các sự cố trong đó các quản lý đã gây áp lực buộc ông phải kích hoạt các hệ thống hóa chất mà không có đồ bảo hộ đầy đủ. Và một chi tiết "khó tin" nhất, theo đơn kiện, TSMC thậm chí đã cố gắng mua sắm các thiết bị an toàn như dây đai bảo hộ từ sàn thương mại điện tử Temu thay vì từ các nhà cung cấp đáng tin cậy.

1752479054339.png


Các cáo buộc quấy rối còn mở rộng sang cả hành vi đụng chạm thân thể. Một nhân viên nam cho biết anh đã bị các kỹ sư lớn tuổi người Đài Loan nhiều lần chạm vào mông. Người này cũng khẳng định đã chứng kiến hành vi tương tự nhắm vào các công nhân Mỹ khác.

Đáp lại những cáo buộc này, TSMC cho biết họ không bình luận về các vụ kiện tụng, nhưng vào tháng 11 năm ngoái, họ đã tuyên bố rằng họ tin tưởng mạnh mẽ vào một lực lượng lao động đa dạng và việc tuyển dụng không phân biệt giới tính, tôn giáo, chủng tộc, hay quốc tịch.

Rõ ràng, đây là một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đối với TSMC. Vụ kiện này không chỉ đặt ra những câu hỏi lớn về văn hóa doanh nghiệp và đạo đức quản lý của gã khổng lồ này, mà còn có thể ảnh hưởng sâu sắc đến các kế hoạch mở rộng toàn cầu của họ trong tương lai.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
http://textlink.linktop.vn/?adslk=aHR0cHM6Ly93d3cudm5yZXZpZXcudm4vdGhyZWFkcy9zYW4teHVhdC1jaGlwLW8tbXktZGF1LWNvLWRlLWRhbmctdHNtYy1kYW5nLWJpLWtpZW4tdGFwLXRoZS1zYXAtbWF0LjY0ODE4Lw==
Top