Mở hộp Ecovacs Deebot X5 Pro Omni: 4 thay đổi lớn

Thanh Phong

Editor
Thành viên BQT
Năm ngoái, Ecovacs đã khiến thị trường bất ngờ với màn ra mắt chiếc Deebot X2 Omni có rất nhiều đổi mới mang tính đột phá. Mới đây, hãng tiếp tục tung ra phiên bản mới Deebot X5 Pro Omni.

1723174875137.png

Deebot X5 Pro Omni hiện có 2 tùy chọn màu: trắng bạc và xám đen​

So với thế hệ cũ, Deebot X5 Pro năm nay tiếp tục có một số thay đổi rất đáng chú ý.

Thay đổi đáng chú ý đầu tiên là sự xuất hiện của tính năng mở rộng chổi, giúp robot lau ra sát chân tường hơn. Đây là tính năng mà Ecovacs đã đưa vào chiếc Deebot T30 Pro và bộ sản phẩm Deebot T30S Combo bán ra gần đây. Khi robot đi lau sát chân tường, một bên chổi lau sẽ tự động mở rộng để lau sát chỉ cách chân tường một vài mm, làm sạch hầu như không xót vị trí nào trong nhà.

1723176078956.png

Deebot X5 Pro giờ có tính năng mở rộng chổi lau để lau sát chân tường hơn.​

Thay đổi lớn thứ hai là chổi quét. Chổi quét chính trên Deebot X5 Pro giờ là chổi quét lông được thiết kế soắn hình chữ V để chống bám tóc, không phải là chổi quét cao su như thế hệ cũ. Một số robot gần đây của Ecovacs như Deebot T30 Pro và Deebot T30S Combo đã chuyển sang sử dụng chổi quét lông này. Mình đã trải nghiệm chổi quét lông trên chiếc Deebot T30 Pro thì thấy hiệu quả chống tóc bám cực kỳ tốt, dùng cả tháng không cần gỡ tóc trên chổi. Ngoài ra, chổi quét lông này miết xuống sàn nhà không gây ồn như chổi quét cao su. Tuy vậy, với các vết bẩn cứng đầu trên sàn thì chổi quét cao su có thể sẽ hiệu quả hơn.

1723175737763.png

Deebot X5 Pro sử dụng chổi quét lông có thiết kế soắn

1723175711132.png

Chổi quét lông trên Deebot X5 Pro (trái) và chổi quét cao su trên Deebot X2 Omni (phải).​

Thay đổi lớn thứ ba là khu vực đặt cảm biến Lidar ẩn đã được sắp xếp lại. Deebot X5 Pro vẫn dùng cảm biến Lidar ẩn trong thân robot như thế hệ cũ, khiến robot không còn ụ nổi lên như các robot thông thường. Tuy vậy, vị trí đặt cảm biến Lidar ẩn đã được di chuyển ra giữa khu vực mặt trước của robot, ngay phía dưới cụm camera tránh vật cản. Trên thế hệ cũ, cảm biến Lidar ẩn được đặt bên mép phải của mặt trước.

1723175314926.png

Cảm biến Lidar ẩn trên Deebot X5 Pro được di chuyển ra giữa, phía dưới cụm camera tránh vật cản

1723175477057.png

Mặt trước của Deebot X2 Omni (trái) và Deebot X5 Pro (phải)​

Trong quá trình sử dụng ngắn, mình thấy Deebot X5 Pro lập bản đồ nhanh và di chuyển rất mượt mà. Trước đây, Deebot X2 Omni đã gặp lỗi điều hướng trong thời gian đầu ra mắt và chỉ được khắc phục triệt để sau vài tháng bán ra. Với chiếc Deebot X5 Pro, mình thấy có vẻ như hãng đã làm chủ được công nghệ cảm biến Lidar ẩn rồi.

Thay đổi đáng chú ý thứ tư là lực hút của Deebot X5 Pro được tăng lên 12.800 Pa, tăng nhiều so với 8000 Pa của thế hệ trước. Tương tự như cuộc chạy đua “số chấm” của camera trên thị trường điện thoại, các hãng robot hiện nay cũng đang đua nhau đẩy cao lực hút. Nhiều robot cao cấp hiện nay có lực hút lớn trên dưới 10.000 Pa, không còn là 4-5000 Pa như vài năm trước. Ecovacs cũng là hãng tích cực trong cuộc đua này với một số sản phẩm như Deebot T30 Pro (11.000 Pa) và Deebot X5 Pro (12.800 Pa) có lực hút mạnh nhất trên thị trường.

1723176437962.png

Deebot X5 Pro được tăng lên 12.800 Pa​

Bên cạnh những thay đổi lớn trên, thiết kế của Deebot X5 Pro cũng có được thiết kế lại với thân robot hình chữ D, không phải vuông cả bốn cạnh như thế hệ trước. Sự thay đổi này là dễ hiểu khi robot mới giờ đã có tính năng mở rộng chổi để lau sát chân tường, không cần đến thiết kế vuông nữa. Một trong những mục tiêu làm thiết kế vuông của Deebot X2 Omni cũ là để robot có thể đi sát chân tường hơn so với các robot có thiết kế thân hình tròn truyền thống.

1723178325354.png

Deebot X5 Pro (phải) có thiết kế hình chữ D, một cạnh bo tròn chứ không vuông như Deebot X2 Omni (trái).​

Ngoài những điểm mới trên, các chi tiết còn lại của Deebot X5 Pro kế thừa từ thế hệ cũ. Tính năng lau dựa trên hai chổi lau xoay áp lực tự nâng 15mm khi gặp thảm, chổi giặt tự động bằng nước nóng 70 độ C (thế hệ cũ là 55 độ C) và sấy khô bằng hơi nóng.

1723175218318.png

Hai chổi lau xoay kết hợp áp lực để làm sạch sàn nhà​

Robot có camera để tránh vật cản trong quá trình di chuyển và chiếc camera này có thể sử dụng để giám sát trong nhà. Trạm sạc vẫn có kích cỡ và thiết kế như thế hệ cũ với hai bình chứa nước sạch (5 lít), nước bẩn (5 lít) và túi gom rác (3,4 lít).

1723178282300.png

Trạm sạc của Deebot X5 Pro

1723178128893.png

Hai bình chứa nước sạch và nước bẩn dung tích 5 lít

1723178166106.png

Túi gom rác tự động dung tích 3,4 lít​

Ngoài sự thay đổi kiểu dáng bớt vuông hơn thì thân robot của Deebot X5 Pro có kích cỡ tương tự thế hệ cũ với chiều cao 95mm, thuộc loại mỏng nhất hiện nay nhờ cảm biến Lidar ẩn. Viên pin tích hợp trong robot có dung lượng 6400 mAh tương tự thế hệ tiền nhiệm.

Mình sẽ chia sẻ kỹ hơn về trải nghiệm thực tế Deebot X5 Pro trong bài đánh giá tới. Cảm nhận thấy ban đầu cho thấy đây là robot rất toàn diện của Ecovacs, đặc biệt là với sự xuất hiện tính năng mở rộng chổi và sự trưởng thành trong hoạt động của cảm biến Lidar ẩn.

Deebot X5 Pro Omni vừa được mở bán chính hãng ở thị trường Việt Nam từ ngày 2/8/2024 với giá ưu đãi 23,9 triệu đồng so với giá gốc 33,9 triệu đồng. Trong tuần đầu mở bán từ ngày 2-10/8, người mua còn được tặng máy ép chậm Lumias SJ10B trị giá 2,69 triệu đồng.

Deebot X5 Pro được bảo hành chính hãng 12 tháng tại tất cả cửa hàng Giga Digital trên toàn quốc và bảo hành 1 đổi 1 trong 15 ngày đầu nếu có lỗi của nhà sản xuất. Sản phẩm hiện được bán trên nhiều hệ thống bán lẻ và các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada và TikTok Shop.

>> Đánh giá Ecovacs Deebot X2 Omni: toàn diện và nhiều đổi mới nhất làng robot

 
  • 1723175870234.png
    1723175870234.png
    1.2 MB · Lượt xem: 157
  • 1723176318404.png
    1723176318404.png
    1.3 MB · Lượt xem: 166


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top