Đường sắt cao tốc HS2 Vương quốc Anh đội vốn gấp 3 lần chưa xong, từ biểu tượng thành nỗi hổ thẹn quốc gia. Chuyện gì đã xảy ra?

Lizzie
Lizzie
Phản hồi: 1

Lizzie

Writer
Năm 2013, khi Thủ tướng David Cameron công bố dự án đường sắt cao tốc HS2 dài khoảng 530 km, chính phủ Anh không giấu kỳ vọng đây sẽ là cú hích hạ tầng làm thay đổi tương lai giao thông quốc gia. Tuyến đường sắt mới, nối thủ đô London với các thành phố lớn phía bắc như Birmingham, Manchester và Leeds, được xem là biểu tượng cho “nước Anh mới” hậu khủng hoảng tài chính và chuẩn bị cho thời kỳ hậu Brexit. Thế nhưng, sau hơn một thập kỷ, giấc mơ ấy đang tan vỡ dần trong thất vọng, sự phản đối và khối chi phí ngày càng phình to.
1747212545040.png

Dự án HS2 khởi đầu với kinh phí khoảng 45 tỷ USD, nhưng đến nay con số này đã vượt mốc 120 tỷ USD, biến HS2 trở thành một trong những dự án hạ tầng đắt đỏ nhất thế giới. Tình trạng đội vốn xảy ra liên tục, chủ yếu do thay đổi thiết kế, chi phí phát sinh từ quy trình quy hoạch phức tạp và sự tham gia của nhiều nhà thầu quốc tế không kiểm soát được chi phí đầu vào. Việc xây dựng các đoạn hầm ngầm theo yêu cầu của địa phương – để tránh gây xáo trộn những vùng quê yên tĩnh – cũng khiến chi phí bị đẩy lên gấp nhiều lần so với các tuyến cao tốc tương đương ở châu Âu. Một km của HS2 đắt gấp đôi so với tuyến Naples-Bari của Ý, và đắt gấp gần bốn lần tuyến Tours-Bordeaux của Pháp.
1747212580381.png

Tình trạng chậm tiến độ, ngắt quãng trong triển khai, và sự phản đối tại Quốc hội đã khiến dự án dần bị “bào mòn”. Năm 2021, chính phủ Anh tuyên bố hủy bỏ hoàn toàn tuyến phía đông đi Leeds, dù trước đó đây là trục chính trong tham vọng kết nối các thành phố miền Bắc. Đến năm 2023, Thủ tướng Rishi Sunak tiếp tục cắt bỏ đoạn nối từ Birmingham đến Manchester, để “tái đầu tư cho giao thông địa phương hiệu quả hơn”. Ngay cả tuyến phía nam từ Birmingham về London – được xem là phần quan trọng nhất của giai đoạn đầu – cũng rơi vào tình trạng thiếu chắc chắn. Thay vì đến nhà ga trung tâm Euston, tuyến này có thể kết thúc ở cảng cạn Old Oak Common, một khu vực ngoại ô cách trung tâm London hơn 10 km. Điều đó đồng nghĩa, hành khách đi từ Birmingham đến London sẽ phải xuống tàu sớm và tiếp tục hành trình bằng tàu thường, kéo dài thời gian và triệt tiêu ưu điểm tốc độ.
1747212559066.png

Điều đáng lo ngại hơn là cho đến nay, sau hơn 12 năm khởi động, toàn bộ hệ thống HS2 vẫn chưa có một km nào đi vào khai thác thương mại. Tiến độ xây dựng chậm chạp, quá trình giải phóng mặt bằng bị kéo dài bởi sự phản đối của dân cư địa phương, cùng với bộ máy điều hành bị chỉ trích là quan liêu và nhận thù lao quá cao, khiến HS2 không chỉ là một thất bại về kỹ thuật mà còn trở thành một gánh nặng chính trị. Cựu Ngoại trưởng William Hague từng mô tả HS2 là “nỗi hổ thẹn của quốc gia”, còn giám đốc Viện Nghiên cứu Tài chính Paul Johnson thì nhận định: “Một tuyến đường sắt trị giá hàng chục tỷ bảng mà lại chở khách chậm hơn các phương tiện sẵn có thì không thể gọi là thành công”.

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến thất bại của HS2 không chỉ nằm ở kỹ thuật hay tài chính, mà phản ánh những vấn đề cố hữu trong cách làm hạ tầng tại Vương quốc Anh. Theo các chuyên gia, hệ thống quy hoạch của Anh quá nặng về thủ tục hành chính, ưu tiên bảo tồn thay vì phát triển. Hồ sơ xây dựng một cây cầu vượt qua sông Thames có thể dày đến 60.000 trang. Điều này khiến mọi dự án đều mất nhiều năm để vượt qua vòng xét duyệt, kéo theo chi phí tăng vọt, nhất là khi bị buộc phải điều chỉnh thiết kế theo yêu cầu chính trị hoặc phản đối từ cử tri.
1747212568614.png

Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn, HS2 không còn được coi là ưu tiên quốc gia. Dù Thủ tướng Rishi Sunak tuyên bố sẽ cải tổ toàn diện cách làm hạ tầng, niềm tin vào khả năng hoàn thành “cuộc cách mạng” mang tên HS2 đã cạn kiệt. Hiện nay, phần duy nhất còn được tiếp tục xây dựng là đoạn giữa London (Old Oak Common) và Birmingham – nhưng ngay cả ga cuối Euston cũng chưa có ngân sách để triển khai đầy đủ.

HS2 từng là biểu tượng cho tương lai hạ tầng cao tốc của Anh, nhưng giờ đây nó đã trở thành minh chứng cho thất bại trong quản lý, quy hoạch và tầm nhìn chiến lược. Trong khi các nước như Trung Quốc, Pháp, hay Nhật Bản vận hành hàng ngàn kilomet đường sắt cao tốc hiệu quả, nước Anh vẫn đang loay hoay trong những đường hầm chưa hoàn thiện và khoản nợ kéo dài suốt thập kỷ. (CNN, Politico, Guardian)
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top