Dùng thử Xiaomi Vacuum E5: Robot hút bụi lau nhà giá “giật mình” chỉ chưa tới 2 triệu đồng

Thành Đạt

Editor
Thành viên BQT
Sử dụng chức năng
  1. Mục lục Xem nhanh
Xiaomi Vacuum E5 là mẫu robot hút bụi mới nhất vừa được Xiaomi ra mắt tại Việt Nam vào hồi đầu tháng 5 vừa qua. Sản phẩm gây chú ý với mức giá “giật mình” chỉ chưa tới 2 triệu đồng, trở thành một trong những robot hút bụi lau nhà chính hãng rẻ nhất hiện tại ở Việt Nam.

Thiết kế nhỏ gọn, dễ chui vào ngóc ngách


Ấn tượng đầu tiên về Xiaomi Vacuum E5 là kích thước nhỏ gọn do không có cảm biến Lidar nhô lên trên để vẽ bản đồ và định vị như các mẫu cao cấp hơn. Theo công bố của Xiaomi thì thân máy có đường kính 300mm, chiều cao chỉ vỏn vẹn 70mm nên có thể dễ dàng len lỏi vào nhiều ngóc ngách trong căn nhà, chui sâu vào làm sạch gầm bàn, gầm ghế, sofa, kệ sách.

DSC00009 (Copy).jpg

Kiểu dáng của Xiaomi Vacuum E5 tương tự như hầu hết các sản phẩm robot khác trên thị trường hiện nay với dạng tròn truyền thống. Thiết kế dạng tối giản với mặt trên được làm dạng nhám nhưng khung viền lại dạng bóng nên. Phiên bản mình trải nghiệm là màu đen tuy nhiên Vacuum E5 còn có cả phiên bản màu trắng nổi bật hơn. Cá nhân mình thì vẫn thích màu đen hơn vì đỡ lộ vết bẩn, dễ vệ sinh và giúp robot sạch sẽ hơn.

DSC00074 (Copy).jpg

Phụ kiện đi kèm của Xiaomi Vacuum E5 cũng ở mức rất cơ bản với 1 miếng lau nhà, dock sạc, củ sạc, 1 chổi vệ sinh chuyên dụng kiêm dao cắt. Các phụ kiện khác như chổi quét ven, miếng lọc bụi đều đã được lắp sẵn vào robot. Có thể thấy là Xiaomi đã cắt giảm triệt để lượng phụ kiện đi kèm, không cung cấp thêm các linh kiện dự phòng để thay thế mà người dùng sẽ cần phải mua thêm.

DSC09993 (Copy).jpg

Khi ngửa “bụng” robot lên bạn sẽ thấy toàn bộ các chi tiết chính đảm nhận việc lau dọn nhà cửa, nổi bật nhất là 2 chổi quét ven 3 cánh, 2 bánh xe di chuyển chính của robot được bọc cao su dày dặn với những đường rãnh sâu tựa như bánh xe địa hình để có leo qua các chướng ngại vật. 1 bánh xe đa hướng đảm nhận việc đổi chiều, xoay trái phải. 2 chấu màu bạc kết nối với dock sạc, lỗ hút bụi và khoang chứa bụi. Các chi tiết khó nhận ra hơn là 3 cảm biến chống rơi, đo chiều sâu. Ngoài ra, ở mặt trước của Xiaomi Vacuum E5 còn các cảm biến hồng ngoại để phát hiện vật cản, tránh va chạm được ẩn sau lớp vòng đệm.

DSC00028 (Copy).jpg

Như vậy, Vacuum E5 không có chổi chính ở giữa, chỉ có hộc hút thông thường. Kích thước hộc nhỏ, ngắn về chiều ngang nhằm đảm bảo lực gió mạnh hơn khi hút. Theo như Xiaomi đề cập thì thiết kế này sẽ giúp Vacuum E5 hút rác kích thước lớn dễ hơn, tránh hiện tượng rối tóc. Trên thực tế sử dụng thì tóc vẫn dính vào 2 chiếc chổi gom rác, nhưng dễ vệ sinh hơn so với chổi xoay ở miệng hút ở các robot khác. Có điều là không có chổi giữa cũng sẽ làm robot này khó làm sạch được các vết bụi bẩn bám trên sàn nhà hay thảm. Ngoài ra, hai điện cực của robot tiếp xúc với dock cấp nguồn trực tiếp. Người dùng sẽ phải vệ sinh định kỳ chi tiết này để việc sạc ổn định

DSC00037 (Copy).jpg

Lau hút cơ bản, vừa đủ cho nhu cầu phổ thông


Thực tế cho thấy ở chế độ mặc định, Xiaomi Vacuum E5 làm sạch hiệu quả căn chung cư mà tôi đang sống với diện tích 65m2 trong khoảng 1 tiếng. Kích thước mỏng cho phép Vacuum E5 chui tốt vào gầm bàn, gầm ghế, kệ sách, không bị vướng phần cảm biến Lidar.

DSC00050 (Copy).jpg

Khoang chứa rác dung tích 400ml tương đối rộng rãi nên có thể chứa rác trong vài ngày mới cần phải đi đổ. Khoang này có thể tháo rời ngay ở phía đuôi robot mà không cần phải tháo nắp trên hay lật ngược robot lại nên khá tiện lợi.

DSC00015 (Copy).jpg

Khoang này cũng tích hợp sẵn tấm lọc 3 lớp nên có thể giữ lại kha khá bụi mịn và các loại bụi dạng sợi. Tấm lọc có thể rửa dưới vòi nước và phơi khô để tái sử dụng. Máy không có màng lọc HEPA và cần vệ sinh thường xuyên để lưu lượng gió từ động cơ không bị ảnh hưởng.

DSC00024 (Copy).jpg


DSC00017 (Copy).jpg

Với tính năng lau nhà, Vacuum E5 chỉ có cơ chế thẩm thấu nước qua 2 van điều tiết, không có bơm điện tử nên mỗi khi cần lau tôi sẽ phải tự lắp khoang nước thủ công, lau xong lại phải tháo khoang ra, không thể đặt lịch để máy hút bụi xong thì lau nhà hay quy định khi nào lau, khi nào hút. Khoang chứa nước cũng chỉ có dung tích khoảng 150ml, hơi nhỏ và thường sẽ hết nước sau khi lau xong phòng khách và bếp, phải tiếp thêm nước để có thể lau thêm 2 phòng ngủ.

DSC00001 (Copy).jpg

Robot sẽ kéo lê giẻ cho tính năng lau nhà. Người dùng sẽ phải vệ sinh giẻ thường xuyên sau mỗi lần hoạt động. Vacuum E5 khi lắp đế lau sẽ bị lồi ra một chút ở phần thân sau. Tất cả đều có khớp bấm tháo lắp khá tiện dụng. Khả năng lau nhà ở mức cơ bản, có thể làm sạch những vết bẩn nhẹ, đơn giản nhưng những vết bẩn khô cứng thì sẽ không xử lý được.

DSC00048 (Copy).jpg

Pin trâu, chạy êm


Với viên pin 2600 mAh – 14.4V (khoảng 37,5Whr) tương đương với viên pin 10.000 mAh trên điện thoại, một lần sạc đầy, Vacuum E5 có thể hoạt động liên tục khoảng 110 phút, tức là gần 2 tiếng ở lực hút tiêu chuẩn, hoàn toàn thoải mái và hiếm khi phải quay về sạc giữa chừng khi đang lau hút. Nhưng thời gian sạc khá lâu, do dock sạc sử dụng kết nối dạng từ tính, công suất tối đa chỉ khoảng 12W nên mất tầm 3 tiếng mới có thể sạc từ mức pin yếu 15% lên 80% và khoảng 5 tiếng mới có thể đầy 100% pin. Bạn cần lưu ý điểm này để thiết lập lịch lau dọn cho hợp lý.

DSC00088 (Copy).jpg

Về độ ồn khi hoạt động, với công suất hút vừa phải 2.000Pa cùng 3 cấp độ hút từ nhẹ đến mạnh để làm sạch cho các khu vực khác nhau. Thực tế khi mình sử dụng trong thời khung giờ 7 – 8 giờ sáng và 8-9 giờ tối, chế độ tiêu chuẩn không gây tiếng ồn khó chịu, hoàn toàn ở mức vừa phải, chỉ ngang với một chiếc máy sấy chạy ở chế độ trung bình. Tuy vậy, khi thử với thời điểm 5 giờ sáng hay 10 giờ đêm, chế độ chuẩn đủ để gây tiếng ồn lớn, làm ảnh hưởng tới giấc ngủ của mọi người trong nhà, nhất là trẻ nhỏ và có lẽ cả hàng xóm. Nên tốt nhất bạn không nên cho robot hoạt động ở những khung giờ này.


DSC00066 (Copy).jpg
Được trang bị gia tốc kế và con quay hồi chuyển nên Vacuum E5 vẫn có thể chạy được theo đường zig zag tương tự một số robot cao cấp hơn, giúp tối ưu quãng đường di chuyển và ít bỏ sót các khu vực trong nhà, hạn chế việc va chạm. Cảm biến chống rơi hoạt động tốt nên sẽ không bao giờ bạn phải lo về việc robot hóa thành “người rơi”, lao đầu xuống cầu thang. Dù vậy, đôi khi robot này vẫn nhiệt tình “ôm hôn” các chân bàn, chân ghế, chân tủ lạnh, phi qua các bậc thềm ngăn cách phòng chính với ban công và không thể leo lề để quay về.

DSC00062 (Copy).jpg

Việc không có cảm biến laser hay Lidar để quét khu vực hoạt động, tạo bản đồ cũng làm cho robot thỉnh thoảng lau đi lau lại một khu vực đến vài lần và không thể chỉ định các khu vực cấm như nhà tắm, ban công. Robot này cũng không có tính năng tường ảo nên bạn sẽ cần lưu ý đóng cửa hoặc lấy các đồ vật chặn lại ở các khu vực không muốn robot đi vào. Với vật cản lớn, E5 nhận biết được và giảm tốc khi sắp va chạm nhưng đôi lúc vẫn nhầm lẫn.

DSC00090 (Copy).jpg

Hỗ trợ App Mi Home​

Dù Xiaomi Vacuum E5 có thể hoạt động tốt mà không cần thiết lập nào từ người dùng nhưng để có thể tận dụng hết các tính năng, bạn sẽ cần cài thêm ứng dụng Mi Home trên điện thoại (có cho cả Android và iOS). Ứng dụng này có giao diện trực quan, thân thiện nhưng không hiểu sao với Vacuum E5 lại chỉ hiện giao diện tiếng Anh.

DSC00101 (Copy).jpg

Về cơ bản, Mi Home sẽ cho phép bạn điều khiển, ra lệnh làm sạch, trở về trạm sạc, điều chỉnh lực hút, chế độ lau dọn cho Vacuum E5 từ bất cứ đâu miễn là có mạng Internet bởi bản thân chú robot này được trang bị kết nối WiFi. Đồng thời, mỗi khi có trục trặc nào trong quá trình lau dọn như bánh xe bị kẹt dây điện, bị treo lơ lửng do vướng phải chướng ngại vật, đều có thông báo về điện thoại để bạn tiện xử lý.

DSC00104 (Copy).jpg

Bên cạnh đó, MI Home sẽ cho phép bạn đặt lịch lau dọn theo ngày giờ cụ thể, thậm chí là đặt lịch lau dọn vào nhiều khung giờ trong ngày, để robot có thể “lao động” khoảng vài ba ca, đảm bảo mỗi khi thức dậy hay đi làm về hay là nhà cửa tinh tươm, không phải mất thời gian chờ đợi.

DSC00105 (Copy).jpg

Một số tính năng tiêu biểu khác trên Mi Home có thể kể đến như tinh chỉnh lực hút sang chế độ Cực đại, để có thể hút bụi triệt để hơn trên các bề mặt như thảm hay chế độ Điểm để làm sạch kỹ càng hơn một vị trí nhất định. Chế độ Cực đại cũng sẽ tăng tốc độ làm sạch, rút ngắn thời gian chờ đợi với các bề mặt như đá hoa hay sàn gỗ. Đánh đổi lại, máy sẽ ồn hơn đáng kể, chỉ phù hợp để hoạt động vào ban ngày lúc không có người ở nhà.

Ngoài ra, khi Vacuum E5 bị kẹt trong gầm tủ, gầm giường, bạn có thể dùng tính năng tìm kiếm để robot tự phát ra âm thanh cảnh báo, giúp xác định vị trí dễ dàng. Một tính năng mà mình nghĩ rất hữu ích như bị ẩn khá sâu trong menu cài đặt nâng cao là điều khiển bằng tay. Đúng như tên gọi, với tính năng này, mình có thể ra lệnh cho Vacuum E5 di chuyển theo ý muốn, thuận tiện khi robot vô tình chui sâu trong gầm giường, hay cần hút hoặc lau lại những khu vực cứng đầu, nhiều vết bẩn.

DSC00133 (Copy).jpg

Bạn cũng có thể chia sẻ việc điều khiển từ xa robot với các thành viên khác trong gia đình, chỉ cần người đó có cài app và đăng ký tài khoản. App còn cho phép xem chi tiết tình trạng của tấm lọc, chổi bên để lên thay thế khi cần.

DSC00136 (Copy).jpg

Với Mi Home, Vacuum E5 cũng sẽ kết nối được với các trợ lý ảo Google Assistant và Amazon Alexa, cho phép bạn ra lệnh bằng giọng nói.

Tổng kết


Ở tầm giá 2 triệu đồng, Xiaomi Vacuum E5 đã hoàn thành tốt những tính năng cơ bản của một robot hút bụi, lau nhà 2 trong 1. Sản phẩm cho hiệu quả lau hút vừa đủ cho nhu cầu phổ thông, thiết kế gọn gàng dễ chui vào gầm bàn, gầm kệ, chạy êm, ít gây tiếng ồn khó chịu.

Điểm hạn chế của Xiaomi Vacuum E5 là không có khả năng vẽ bản đổ, tường ảo, khu vực cấm. Người dùng sẽ phải tự đóng cửa nhà tắm, tạo các vật cản để robot không đi vào các khu vực không mong muốn. Khoang chứa nước của robot cũng khá nhỏ, phải thêm nước thường xuyên. Khi lau nhà còn phải tháo lắp thủ công và không chỉnh được lượng nước khi lau.

Có thể thấy Xiaomi Vacuum E5 bị cắt khá nhiều tính năng thông minh vốn được coi là tiêu chuẩn trên robot hút bụi nhưng vẫn giữ lại lực hút và thời lượng pin tốt. Đây vẫn là lựa chọn gần như duy nhất ở tầm giá dưới 2 triệu đồng nếu bạn muốn một mẫu robot mới từ hãng tên tuổi.

 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top