Khủng hoảng Hollywood: Khi phim kinh dị và siêu anh hùng "ăn sẵn" theo công thức đã hết thời

The Storm Riders
The Storm Riders
Phản hồi: 0
Từng có thời các hãng phim Hollywood dường như đã nắm trong tay hai công thức vàng để in tiền: cứ tung ra 1 bộ phim có anh hùng mặc áo choàng hoặc kẻ sát nhân đeo mặt nạ, khán giả sẽ ùn ùn kéo ra rạp. Nhưng thời thế đã thay đổi, khẩu vị của khán giả cũng thay đổi. Gần đây, hai "trụ cột" tưởng chừng không thể sụp đổ là siêu anh hùng và kinh dị đang cho thấy những dấu hiệu mệt mỏi rõ rệt.

"Mọi người không ngừng yêu thích phim kinh dị hay phim siêu anh hùng, nhưng họ đã ngừng yêu thích những tác phẩm tầm thường trong những thế giới đó," ông Mike Barstow, một chủ rạp chiếu phim, chia sẻ. "Có một nhu cầu rõ ràng đòi hỏi chất lượng cao hơn" - ông nói. Đây chính là mấu chốt vấn đề, lời cảnh tỉnh đanh thép gửi đến kinh đô điện ảnh. Cuộc khủng hoảng này không phải sự cáo chung của hai thể loại, mà là sự sụp đổ của kỷ nguyên sản xuất hàng loạt dựa trên những công thức cũ mòn.

Phim kinh dị từ lâu đã là một thỏi nam châm hút khách, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19. Gần như không có gì có thể vực dậy phòng vé, những cú hit ban đầu như A Quiet Place Part II, Halloween Kills hay The Conjuring: The Devil Made Me Do It đã chứng minh sức mạnh thể loại này. Chúng là những canh bạc an toàn: kinh phí thường thấp, không đòi hỏi quá nhiều để có lãi, tiềm năng lợi nhuận vô hạn nếu thực sự tạo được tiếng vang.

1753330866636.png


Nhưng khi Hollywood quá dựa dẫm vào công thức này, bi kịch đã xảy ra. "Hollywood đi theo con đường ít rủi ro hơn và làm những gì đã từng hiệu quả cho đến khi họ khai thác cạn kiệt nó," ông Kevin Goetz, người sáng lập công ty nghiên cứu khán giả Screen Engine/ASI, phân tích. "Đột nhiên có một bộ phim kinh dị mới mỗi tuần." Kết quả là sự bão hòa.

Năm nay, hàng loạt bom xịt đã nối đuôi nhau ra rạp, minh chứng cho sự mệt mỏi của khán giả. Cú trượt dài của "đế chế" kinh dị kinh phí thấp Blumhouse là một ví dụ điển hình, với 4 bộ phim liên tiếp thất bại thảm hại: M3GAN 2.0 (37 triệu USD), Wolf Man (34 triệu USD), The Woman in the Yard (23 triệu USD) và Drop (28 triệu USD). Cùng chung số phận với chúng là những cái tên được kỳ vọng khác như I Know What You Did Last Summer của Sony (24 triệu USD tính đến nay), Companion của Warner Bros. (36 triệu USD) và Death of a Unicorn của A24 (16,4 triệu USD).

Chính người sáng lập Jason Blum của Blumhouse cũng phải thừa nhận thực tế phũ phàng. "Ngay bây giờ có quá nhiều phim kinh dị trên thị trường," ông nói trong một podcast. "Chúng ta đã quen với một thị trường có thể hấp thụ 12 đến 15 phim kinh dị, nơi bạn có thể có những cú hit nhỏ và vừa. Tôi nghĩ rằng điều đó đã không còn nữa."

1753330962753.png


Vậy tại sao Sinners Longlegs năm ngoái lại có thể thành công vang dội? Câu trả lời nằm ở hai chữ: độc đáo. "'Sinners' đã rất thành công vì nó độc đáo và khác biệt," ông chủ rạp Grand Lake Allen Michaan ở Oakland nói. "Nó không chỉ là một bộ phim kinh dị. Có rất nhiều thứ hơn thế ở đó." Những bộ phim này đã tạo ra được hiệu ứng truyền miệng, biến chúng thành những sự kiện điện ảnh phải xem, thay vì chỉ là một lựa chọn giết thời gian cuối tuần.

Và nếu như thể loại kinh dị đang phải vật lộn với sự bão hòa, thì ở phía bên kia, các siêu anh hùng cũng đang đối mặt với một kẻ thù còn đáng sợ hơn: sự nhàm chán. Sự mệt mỏi này bắt đầu xuất hiện sau đại dịch, khán giả bị ngập trong một làn sóng các chương trình truyền hình có liên kết với nhau trên Disney+ bên cạnh các bộ phim điện ảnh.

Chính chủ tịch Marvel Studios Kevin Feige cũng phải thừa nhận điều này. "Chúng tôi đã sản xuất 50 giờ câu chuyện từ năm 2007 đến 2019," ông nói. Kể từ sau Avengers: Endgame năm 2019, đã có "hơn 100 giờ câu chuyện chỉ trong một nửa thời gian. Điều đó là quá nhiều." Sự thừa mứa này đã làm loãng thương hiệu và khiến khán giả cảm thấy "bội thực".

Kết quả là, ngay cả Vũ trụ Điện ảnh Marvel cũng không còn là một cỗ máy in tiền bất khả chiến bại. Captain America: Brave New World (415 triệu USD so với kinh phí 180 triệu USD) và Thunderbolts (382 triệu USD so với kinh phí 180 triệu USD) là những bằng chứng mới nhất cho thấy, Marvel cũng có thể thất bại. Những con số này là sự thất vọng lớn về mặt tài chính.

1753330984688.png


"Những bộ phim Marvel này quá giống nhau. Chúng dường như luôn thoái hóa thành những cảnh chiến đấu kéo dài 15 hoặc 20 phút ở cuối phim," ông Michaan nhận xét một cách thẳng thắn. "Vợ chồng tôi rất yêu phim, đôi khi chúng tôi rời đi khi các cảnh hành động bắt đầu vì chúng tôi biết nó sẽ kết thúc như thế nào." Sự thành công của Superman mới đây càng củng cố thêm cho lập luận này. Bộ phim đã tạo được tiếng vang vì nó mang lại một cảm giác "khác biệt so với các bộ phim DC khác." "Anh ấy dễ bị tổn thương và thua trong các trận chiến, điều mà chúng ta chưa từng thấy trước đây," ông Michaan nói. Chính sự mới mẻ và phá vỡ khuôn mẫu đó đã chinh phục được khán giả.

Trước thực tế phũ phàng này, các "ông lớn" đang buộc phải thay đổi. Đối với Marvel Studios, mệnh lệnh bây giờ là "làm ít hơn nhưng với chất lượng cao hơn". Sau The Fantastic Four: First Steps, họ sẽ chỉ có 2 phim trong năm 2026 (Avengers: DoomsdaySpider-Man: Brand New Day) và 1 phim trong năm 2027 (Avengers: Secret War). Chiến lược này tập trung vào những dự án "hạng nặng", những nhân vật dễ nhận biết nhất, để đảm bảo những cú hích phòng vé chắc chắn.

Trong khi đó, nhiệm vụ của DC là giành lại niềm tin của người hâm mộ sau những thất bại thảm hại như The FlashAquaman and the Lost Kingdom. Mặc dù Superman là bước đi đúng hướng, họ vẫn còn những thách thức phía trước. Hai phần tiếp theo trong năm 2026, Supergirl Clayface, lại xoay quanh những nhân vật chính ít được biết đến hơn, một canh bạc đầy rủi ro. "Siêu anh hùng vẫn là những bộ phim khổng lồ," nhà phân tích David A. Gross của Franchise Entertainment Research nói. "Nhưng sự quan tâm của khán giả sẽ giảm đi ngoài những nhân vật đã được thiết lập và nổi tiếng nhất."

Rõ ràng, Hollywood đang ở trong một giai đoạn chuyển mình quan trọng. Thời đại của những công thức "ăn sẵn", những canh bạc an toàn đã qua. Giờ đây, để có thể tồn tại và thành công, các hãng phim phải quay trở lại với những giá trị cốt lõi: chất lượng, sự độc đáo, những câu chuyện thực sự đột phá có thể chạm đến trái tim khán giả.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
http://textlink.linktop.vn/?adslk=aHR0cHM6Ly93d3cudm5yZXZpZXcudm4vdGhyZWFkcy9raHVuZy1ob2FuZy1ob2xseXdvb2Qta2hpLXBoaW0ta2luaC1kaS12YS1zaWV1LWFuaC1odW5nLWFuLXNhbi10aGVvLWNvbmctdGh1Yy1kYS1oZXQtdGhvaS42NTY5MS8=
Top