Có tài ứng đối trôi chảy nhưng vẫn bị coi là nhờ cái mặt đẹp trai mới đỗ được trạng nguyên

Nan Đắc Hữu Tình Nhân
Nan Đắc Hữu Tình Nhân
Phản hồi: 0

Nan Đắc Hữu Tình Nhân

Quan Thục Di
Thành viên BQT
Theo sách “Hoàng Lê nhất thống chí”, Trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh, sinh năm 1482, tại xã Ông Mặc, huyện Đông Ngàn, Kinh Bắc. Ông thi đỗ trạng nguyên khoa thi Đoan Khánh năm thứ 4 (1508), đời vua Lê Uy Mục và được người đương thời gọi là Trạng Me. Ông là con của tiến sĩ Nguyễn Giản Liêm, năm ông lên 4 tuổi thì cha qua đời. Nguyễn Giản Thanh là người có hình dáng khôi ngô tuấn tú và nổi tiếng là người “vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa”. Từ nhỏ, ông đã có khiếu thông trí tinh anh, đặc biệt là tài ứng đối lưu loát tựa hồ như nước chảy.

Chuyện xưa kể lại rằng, vào thời bấy giờ, ở trong vùng có đám rước một viên quan được triều đình cho cáo lão về quê, Nguyễn Giản Thanh khi ấy mới 6 tuổi, cưỡi ngựa tàu lá cau chạy ra xem. Quân lính dẹp đường, người ta dạt cả sang hai bên. Duy có Nguyễn Giản Thanh vẫn ung dung cầm cổ ngựa mo đứng giữa đường không chút sợ hãi. Viên quan lấy làm lạ bèn gọi lại hỏi: Em đi học chưa?

Nguyễn Giản Thanh đáp: Cháu chưa đi học nhưng hay chữ, biết làm câu đối.

Viên quan tức thời ra câu đối: Trẻ cưỡi mo cau (chỉ Nguyễn Giản Thanh bấy giờ). Nguyễn Giản Thanh đối ngay: Già chơi hạc gỗ (trong đám cưới có con hạc bằng gỗ sơn son do nhà vua ban cho viên quan).

Ngoài mặt tỏ ra vui vẻ khâm phục nhưng trong lòng chưa chịu nên viên quan ra thêm câu đối: Hoài áo đỏ quết phân trâu (ý mỉa mai Nguyễn Giản Thanh là con ông nghè mà nghịch ngợm, bẩn thỉu).

Nguyễn Giản Thanh chẳng chút do dự đáp ngay: Thừa lọng xanh che dái ngựa (vì trong đám rước quá nhiều lọng xanh, che cả dái ngựa).

Nghe vậy viên quan đỏ mặt khó chịu nhưng trong lòng lại thán phục, biết đây là người tài, bèn thưởng tiền cho Nguyễn Giản Thanh.

1748159722484.png


Thời ấy, Thượng thư Đàm Thận Huy cũng là người làng Ông Mặc có mở lớp dạy và học trò theo học rất đông, trong đám học trò ấy có Nguyễn Giản Thanh. Một bữa giảng sách vừa xong thì trời đổ mưa, ai lấy đều phải lưu lại, thầy giáo Đàm Thận Huy nhân hứng tức cảnh ra câu đối rằng: Vũ vô cương tỏa nắng lưu khách (mưa không then khóa hay lưu khách).

Vừa nghe xong Nguyễn Giản Thanh đối ngay rằng: Sắc bất ba đào dị nịch nhân (Sắc chẳng phong ba dễ đắm người). Còn học trò Nguyễn Chiêu Huấn thì đối: Nguyệt hữu loan cung bất xạ nhân (Trăng có vòng cung chẳng bắn người). Một học trò nữa lại đối rằng: Phẩn bất uy quyền dị sử nhân (Phân chẳng có uy quyền dễ dọa người).

Thầy giáo Đàm Thận Huy nghe xong thì phê rằng: Cứ theo ý tứ lời đối thì chắc sau này Nguyễn Giản Thanh là người phóng đãng, Nguyễn Chiêu Huấn là người có lòng nhân nhưng đều thành danh. Còn trò kia ngày sau phú hào nhưng là người bỉ ổi. Quả nhiên, mấy năm sau, Nguyễn Giản Thanh thi đỗ thủ khoa, rồi đỗ Trạng nguyên đời vua Lê Uy Mục (1508), làm quan lễ bộ Thượng thư nhưng vì say đắm cô gái đẹp ở kinh thành mà đến ô danh bại giá. Còn Nguyễn Chiêu Huấn chỉ đỗ Bảng nhãn nhưng làm quan và sống yên ổn, không xảy ra chuyện gì cả. Riêng người học trò kia sau cũng vào bậc hào phú trong vùng nhưng ai cũng chê là hạng thô lỗ, bỉ ổi.

Vào năm Đoan Khánh thứ 4 (1508) vua Lê Uy Mục mở khoa thi Mậu Thìn, lấy đỗ tiến sĩ 54 người. Trong đó, Nguyễn Giản Thanh đỗ Trạng nguyên, làm quan với nhà Lê 20 năm và được phong đến chức Đông các đại học sĩ. Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, ông làm quan với nhà Mạc. Có lần ông được cử sang đi sứ nhà Minh. Sau chuyến đi sứ này, khi trở về thì Nguyễn Giản Thanh được thăng tới chức Lễ bộ Thượng thư, hàn lâm viện Thị độc chưởng viện sự, tước trung phu bá và lúc mất được tặng tước hầu.

Chuyện "Trạng Me đè trạng Ngọt”

Theo sách Giai thoại lịch sử Việt Nam, trấn Kinh Bắc khi ấy có hai người học giỏi nổi tiếng là Nguyễn Giản Thanh (làng Me) và Hứa Tam Tỉnh (làng Ngọt).

Sau khi vượt qua kỳ thi Hương và Hội, cả hai thi Đình năm 1508 đời vua Lê Uy Mục. Các quan trường thi nhận thấy Hứa Tam Tỉnh có bài tốt hơn, dự kiến lấy đỗ trạng nguyên, Nguyễn Giản Thanh đỗ bảng nhãn, Nguyễn Hữu Nghiêm là thám hoa.

Ba người đỗ đầu vào yết kiến vua. Bà Kinh phi là mẹ nuôi của vua, nhìn thấy Nguyễn Giản Thanh có tướng mạo khôi ngô, tuấn tú, trong khi Hứa Tam Tỉnh dung mạo lại xấu xí. Bà chỉ vào Nguyễn Giản Thanh hỏi các quan trường thi: Người này chắc là trạng nguyên?

Quan chủ khảo không muốn phật ý mẹ vua nên lúng túng, chỉ cả vào Giản Thanh và Tam Tỉnh tâu rằng: "Hai người này tài học ngang nhau nên chúng thần chưa biết lấy ai đỗ trạng. Xin mẫu hậu và hoàng thượng phán xét".

Vua cũng nghe nói bài của Hứa Tam Tỉnh hơn Nguyễn Giản Thanh nhưng thấy mẹ đang nhìn Giản Thanh với ánh mắt quý mến, nên muốn chiều lòng mẹ. Ông ra thêm bài phú Phường thành xuân sắc (cảnh mùa xuân ở kinh đô) để xét tài cao thấp.

Trước bài thi quyết định, Nguyễn Giản Thanh nghĩ nếu làm bằng chữ Hán sẽ không thể cao xa, thâm thúy bằng Hứa Tam Tỉnh, chi bằng làm bằng chữ Nôm, hình ảnh bóng bẩy, câu văn yểu điệu sẽ khiến mẫu hậu hiểu. Nghĩ rồi, ông ứng khẩu đọc liền một mạch:

"Chợ hoa đầm ấm, phố ngọc tần vần / Trai bảnh bao đá cầu vén áo / Gái éo le rủ yếm khỏi quần / Khách Tràng An cưỡi ngựa xem hoa rợp đường tử mạch / Chàng công tử ngựa xe giương tán, sáng dặm thanh vân…".

Bà Kinh phi nghe đọc đến đâu hiểu đến đấy, nức nở khen hay. Ngược lại, bà không đánh giá cao bài phú bằng chữ Hán của Hứa Tam Tỉnh, vì không hiểu nhiều về văn tự. Vua đã muốn theo ý của mẹ, song còn hỏi thêm: "Trẫm nghe nói khanh người làng Ông Mạc, vậy có gần làng Phù Chấn quê trẫm không?".

Hai làng này cùng ở trấn Kinh Bắc nhưng không gần nhau. Tuy vậy, Nguyễn Giản Thanh vẫn lém lỉnh trả lời: "Tâu hoàng thượng, hai làng liền một cánh đồng". Đây là cách trả lời thông minh của Nguyễn Giản Thanh, bởi dù cách bao xa cũng liền mạch một cánh đồng.

Sau khi đàm đạo một hồi, lại thấy Giản Thanh người phủ Từ Sơn (quê ngoại của mình), vua truyền lấy Nguyễn Giản Thanh đỗ trạng nguyên, Hứa Tam Tỉnh lùi xuống hàng bảng nhãn.

Biết chuyện này, nho sĩ Kinh Bắc làm vè chê Giản Thanh là "mạo trạng nguyên", nghĩa là "trạng nguyên mặt", vì đẹp trai được đỗ trạng. Hứa Tam Tỉnh, tuy không đỗ trạng nguyên, vẫn được gọi là Trạng Ngọt (ông trạng làng Ngọt).
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
http://textlink.linktop.vn/?adslk=aHR0cHM6Ly93d3cudm5yZXZpZXcudm4vdGhyZWFkcy9jby10YWktdW5nLWRvaS10cm9pLWNoYXktbmh1bmctdmFuLWJpLWNvaS1sYS1uaG8tY2FpLW1hdC1kZXAtdHJhaS1tb2ktZG8tZHVvYy10cmFuZy1uZ3V5ZW4uNjE4NzQv
Top