AI có đang giết chết tính chuyên nghiệp không?

Mạnh Quân
Mạnh Quân
Phản hồi: 0
Bạn có đang phải dùng AI trong công việc không?

Chỉ trong hai năm, AI đã tràn vào môi trường làm việc như một cơn lũ. Người viết quảng cáo, lập kế hoạch, thiết kế, nhà báo… dường như không ai nằm ngoài làn sóng này. Lúc đầu, nhiều người cảm thấy hào hứng vì AI giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu suất. Nhưng khi việc sử dụng AI ngày càng phổ biến, không ít người bắt đầu nhận ra những bất ổn.

Ngày càng rõ ràng rằng những kỹ năng chuyên môn từng được xem là cốt lõi đang bị xem nhẹ. Chỉ cần một câu lệnh từ lãnh đạo kiểu như: “Đưa cái này cho AI chỉnh lại” là công sức của nhiều người bỗng chốc bị phủ định. Trong môi trường làm việc hiện nay, “chủ nghĩa chuyên nghiệp” – thứ từng định nghĩa sự nghiêm túc và chuẩn mực trong công việc – đang dần bị tháo dỡ.
1747389503755.png

Leonardo da Vinci đang chiêm nghiệm, hình ảnh được tạo bởi AI
Một bác sĩ ở Quảng Đông từng chia sẻ rằng sau khi kê đơn cho bệnh nhân, anh bị chất vấn vì AI – cụ thể là DeepSeek – đưa ra phương án khác. Câu chuyện này gợi nhớ đến thời kỳ đầu của Internet, khi các bác sĩ “ngán” nhất bệnh nhân tra bệnh trên Baidu rồi tranh luận lại toa thuốc. Giờ đây, “Baidu” đã được thay bằng “AI”, nhưng hệ quả thì vẫn vậy – người chuyên môn bị đặt lên bàn cân so sánh với một cỗ máy.

Luo Zheng – người viết nội dung cho một công ty công nghệ ở Bắc Kinh – từng rất tự tin với công việc của mình. Cho đến khi sếp anh chia sẻ một bài viết khuyến khích nhân viên tận dụng AI để tăng năng suất. Kể từ đó, mỗi bản thảo của anh đều bị yêu cầu “đưa cho AI xử lý lại”, thậm chí không cần ý kiến, không cần góp ý. Chỉ một chỉ thị lạnh lùng: dùng AI.

Ban đầu, Luo Zheng không phản đối chuyện dùng AI – anh cũng thường dùng công cụ AI hỗ trợ viết. Nhưng điều khiến anh bất mãn là sự phủ nhận giá trị công sức của con người. Anh kể, một lần nhóm của anh soạn đầy đủ tài liệu quảng bá sản phẩm mới, nhưng khi gửi lên cấp trên, họ chỉ nộp tất cả cho AI, rồi gửi lại bản chỉnh sửa hoàn toàn khác và yêu cầu làm theo đúng như vậy. “Cảm giác như AI đang copy lại công việc của mình, còn công lao của mình thì bị xóa sổ”, anh nói.

Không chỉ vậy, anh cho rằng những nội dung do AI sửa lại nhiều khi không phù hợp với giọng điệu thương hiệu. “Viết nội dung có yếu tố chủ quan, không phải lúc nào AI cũng hiểu tông điệu hay cảm xúc cần truyền tải”, nhưng lãnh đạo không quan tâm đến điều đó, chỉ quan tâm AI làm nhanh hơn.

Yu Qing, một phóng viên, cũng gặp trải nghiệm tương tự. Sau một cuộc phỏng vấn, cô soạn lại bản hỏi-đáp và gửi cho nhân vật kiểm duyệt như thường lệ. Nhưng thay vì phản hồi, người này gửi lại một phiên bản hoàn toàn khác – được chỉnh sửa bằng AI – và khẳng định rằng bản mới “dễ lan tỏa hơn”. Yu Qing thấy nó giống bản biên bản họp hơn là nội dung báo chí, nhưng cô không thể làm gì được.

Zhang Yan – một nhà thiết kế – cũng được yêu cầu dùng AI tạo các poster và video phát biểu. Nhưng do đặc thù công việc đòi hỏi tính thẩm mỹ và liên kết giữa các chi tiết như tư thế, biểu cảm, bối cảnh… nên AI không xử lý tốt. Zhang Yan phải thử đi thử lại, chỉnh sửa cả ngày mới có bản tạm ổn. Vậy mà cuối cùng, lãnh đạo vẫn phán một câu: “AI làm còn đẹp hơn mấy người”.

Sự sụp đổ của tính chuyên nghiệp

Những trường hợp trên cho thấy một sự thật không dễ chấp nhận: AI đang làm lung lay nền tảng của tính chuyên nghiệp trong công việc. Trước đây, để làm nội dung báo chí, thiết kế hay quảng cáo, bạn phải có kỹ năng, trải nghiệm và hiểu biết chuyên sâu. Giờ đây, một người không cần kinh nghiệm cũng có thể dùng AI tạo ra sản phẩm “trông có vẻ chuyên nghiệp”.

Điều này dẫn đến hai hệ quả. Thứ nhất là sự xem thường tính chuyên nghiệp – không còn là chuyện làm được việc, mà là hiểu được công việc đòi hỏi điều gì. Ví dụ, một bài báo hay cần cân nhắc bối cảnh, phong cách, độc giả, điểm nhấn. AI có thể viết nhanh, nhưng không thể cảm nhận tinh thần của tờ báo hay chiến lược truyền thông tổng thể.

Thứ hai là sự ảo tưởng về năng lực. Nhiều người thấy AI làm được, bèn cho rằng “mình cũng làm được”. Nhưng đó chỉ là ảo giác. AI không hiểu tường tận thị trường, cũng không thể đưa ra quyết định sáng suốt nếu thiếu sự dẫn dắt từ con người có chuyên môn.

Nguy hiểm hơn, kết quả của AI đôi khi được coi là “chuẩn mực”, trong khi nhiều nội dung AI tạo ra chỉ là sự chiều lòng người dùng. Cuối tháng 4, sau khi OpenAI tung ra bản cập nhật ChatGPT-4o, nhiều người phản ánh rằng AI quá “dễ dãi”, thậm chí khen cả ý tưởng kinh doanh phân bón… cho người. Sự “nịnh nọt” của AI khiến chính công ty phải điều chỉnh lại bản cập nhật.

Vấn đề là, lãnh đạo đôi khi lại tin vào những kết quả đó. Họ để AI định hình nội dung, bất chấp thực tế hay thị hiếu công chúng. Điều này vừa khiến chất lượng công việc đi xuống, vừa khiến nhân viên mất niềm tin. Khi cảm thấy mình có thể bị thay thế bất kỳ lúc nào, người lao động sẽ dễ rơi vào trạng thái buông xuôi hoặc rời bỏ công việc.

Giải pháp: dùng AI như công cụ, không phải chuẩn mực


Nếu có một cách để thu hẹp khoảng cách giữa AI và con người, đó là để những người thực sự hiểu công việc dẫn dắt AI – chứ không để AI dẫn dắt họ. AI có thể là công cụ mạnh mẽ, nhưng nếu không đi kèm với tư duy chuyên môn, nó chỉ tạo ra những sản phẩm “tốt bề ngoài mà rỗng bên trong”.

Một ví dụ rõ ràng là DeepSeek – AI đang được nhiều người trong giới truyền thông ưa chuộng. Khi có sự kiện nóng, chỉ cần đưa vào DeepSeek để viết bình luận. Cứ thế, DeepSeek trở thành “nhà hiền triết” thời hiện đại. Trước đây, người ta dẫn lời Khổng Tử, Shakespeare; nay thì: “DeepSeek nói…”.

Sự thay thế này đặc biệt rõ nét trong môi trường suy thoái, khi nhiều người không còn kiên nhẫn để suy nghĩ độc lập. AI trở thành tiếng nói mặc định, và con người dần trở thành người lặp lại nó.

Thật ra, đây là mặt trái của sự bình đẳng hóa công nghệ. Ai cũng có quyền tiếp cận AI, nhưng không phải ai cũng có đủ năng lực chuyên môn để sử dụng nó một cách đúng đắn. Giống như Internet thời kỳ đầu – từng có giai đoạn các nền tảng như Zhihu hay Tianya là nơi trao đổi kiến thức chất lượng cao. Nhưng càng phổ biến, các nền tảng này lại bị tràn ngập bởi nội dung hời hợt, tranh cãi vô nghĩa, thiếu kiểm duyệt.

Chúng ta chưa thể khẳng định tương lai AI sẽ ra sao. Nhưng có một điều chắc chắn: nếu AI có thể thay thế công việc, nó không nên thay thế tư duy của con người. (Tencent)
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top